Khi trải qua một cuộc phẫu thuật, dù lớn hay nhỏ cũng sẽ gây ra sự tổn thương nghiêm trọng cho các tế bào của cơ thể. Nếu các vết mổ không được chăm sóc kỹ càng sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rất cao, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau đó.
Theo một số thống kê, ở Mỹ là nước có nền y học tiên tiến nhưng nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ hai sau nhiễm khuẩn đường tiết niệu tại bệnh viện; người bệnh bị nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tỉ lệ khoảng 2 - 15% tùy theo loại phẫu thuật và hàng năm có khoảng 2 triệu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ. Còn ở Việt Nam mặc dù các thống kê về nhiễm khuẩn vết mổ còn ít được công bố. Nhưng theo một đề tài Nghiên cứu tình trạng nhiễm khuẩn trong các loại phẫu thuật tại Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, nhiễm khuẩn vết mổ là loại nhiễm khuẩn bệnh viện hay gặp nhất trong các bệnh ngoại khoa, chiếm tỷ lệ từ 24% đến 1/3 tổng số trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện tuỳ theo thống kê. Năm 1998, nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Nhâm tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ chung là 9,1%.
Vì vậy việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ là công việc quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tùy vào từng vết mổ phẫu thuật khác nhau mà chăm sóc theo đúng yêu cầu của bác sĩ, tuy nhiên có những điểm lưu ý chung dành cho tất cả các vết mổ.
1. Chú ý khi vận chuyển bệnh nhân, chú ý tư thế
- Sau mổ khi đổi tư thế, vận chuyển bệnh nhân từ bàn mổ sang xe đẩy hay gường bệnh cần phải nhẹ nhàng. Thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tụt huyết áp, trụy mạch, choáng. Trong phẫu thuật chỉnh hình nếu vận chuyển bệnh nhân không đúng cách hoặc thô bạo có thể gây ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc phẫu thuật. Do đó tốt nhất là đặt xe chuyển bệnh nhân cạnh bàn mổ và chuyển bệnh nhân thật nhẹ nhàng sang xe đẩy.
- Trong tất cả các trường hợp phẫu thuật bệnh nhân cần có thể dùng loại tấm ra vải kê dưới lưng bệnh nhân để khi chuyển bệnh nhân từ bàn mổ qua xe hay giường ta chỉ cần khiêng tấm vải đã đặt dưới lưng bệnh nhân, như thế rất nhẹ nhàng và rất tiện lợi.
2. Giường, phòng bệnh nhân
- Giường nằm phải êm, chắc chắn, thoải mái, giường có thể đặt tư thế đầu cao, tư thế Fowler, tư thế đầu thấp. 2 bên thành giường nên có thanh bảo vệ, tránh những trường hơp bệnh nhân chưa tự chủ được có thể tự lăn mình rơi xuống đất.
- Trời rét phải có đủ chăn ấm, có túi nước nóng đặt xung quanh, có thể dùng máy sưởi, bố trí sẵn các đệm hơi nóng... Mùa nóng phòng phải thoáng và tốt nhất có máy điều hòa...
- Nếu bệnh nhân chưa tỉnh, phản xạ ho chưa có phải đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên hoặc bệnh nhân nằm ngửa có một gối mỏng lót dưới vai cho cổ và đầu ngửa ra sau. Và phải có điều dưỡng theo dõi sát, đặc biệt không nên để bệnh nhân nằm một mình khi bệnh nhân thật sự chưa tỉnh.
3. Khả năng nhiễm trùng, tổn thương da
- Có 4 đường xâm nhập vi trùng vào cơ thể là qua da, hô hấp, niệu– sinh dục và máu. Vi trùng sẽ đi vào cơ thể do da và niêm mạc bị xâm lấn bởi vết mổ, dẫn lưu, hậu môn nhân tạo, nơi xuyên đinh, thông tiểu.
- Do người bệnh có nguy cơ giảm sức đề kháng sau giải phẫu và gây mê, đồng thời có yếu tố về nguy cơ nhiễm trùng do môi trường bệnh viện, do không đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn, không thực hành rửa tay khi chăm sóc người bệnh.
- Để tránh nguy cơ nhiễm trùng sau mổ cho người bệnh, cần phải tuân theo nguyên tắc kỹ thuật vô khuẩn khi chăm sóc người bệnh, thực hiện kháng sinh dự phòng theo y lệnh.
- Luôn luôn tuân thủ các phương pháp phòng chống nhiễm trùng bệnh viện. Rửa tay trước và sau khi chăm sóc, khi thực hiện thủ thuật trên người bệnh.
4. Chăm sóc vết mổ
- Hiện nay vết mổ nội soi rất nhỏ và nguy cơ nhiễm trùng rất thấp. Thường những vết mổ này không cần thay băng, nếu phẫu thuật viên may dưới da thì không cần cắt chỉ.
- Trong những trường hợp mổ hở thì vết mổ vô khuẩn thì không thay băng, sau mổ 5–7 ngày cắt chỉ; nhưng nếu người bệnh già hay tình trạng người bệnh suy kiệt nhiều, vết mổ quá dài, vết mổ ở vị trí thiếu máu nuôi thì nên cắt chỉ chậm hơn, khoảng 10 ngày sau mổ.
- Chỉ khâu vết mổ thường tự tiêu trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày. Các loại chỉ không tiêu thì cần cắt chỉ trong khoảng thời gian từ 5 - 21 ngày (tùy loại phẫu thuật). Nên liên hệ ngay với bác sỹ nếu chân chỉ gây cho bạn khó chịu hoặc đau.
- Giữ cho vết mổ luôn khô sạch: bạn có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát trùng như povidine, không nên thoa các loại kháng sinh không được chỉ định, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.
- Không vận động mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến vết mổ.
- Tránh để vết mổ tiếp xúc với ánh sáng.
- Vết mổ có thể băng kín lại nhưng cần đảm bảo sạch sẽ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, hoặc dùng băng vết thương dạng xịt giúp vết thương thông thoáng và mau lành.
5. Lưu ý liệu pháp oxy cho bệnh nhân sau phẫu thuật
- Trong trường hợp do còn tác dụng của thuốc mê, do đau nên bệnh nhân thở yếu, do run lạnh làm tăng tiêu thụ oxy. Vì vậy cung cấp oxy làm giảm tần số và mức độ nặng của giảm oxy sau mổ, làm giảm các biến chứng tim mạch, thần kinh, giảm buồn nôn, nôn và tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ. Vì vậy người ta khuyến cáo sử dụng oxy sau mổ một cách hệ thống.
- Có ba cách cho thở oxy chính: Dùng mặt nạ cho bệnh nhân chưa tỉnh hoặc bệnh nhân chỉ thở bằng miệng, dùng ống thông mũi đơn hay ống thông mũi hai nòng cho những bệnh nhân thở được cả miệng-mũi tạo cho bệnh nhân dễ chịu, có thể nói chuyện được
6. Sử dụng thuốc giảm đau
Tùy vào cơn đau của bệnh nhân mà sử dụng các loại thuốc giảm đau hợp lý, không nên đợi đến khi cơn đau xuất hiện mới sử dụng thuốc. Nên tham khảo bậc thang dùng thuốc giảm đau của Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo:
- I. Không thuộc nhóm thuốc phiện: aspirine, paracetamol.
- IIa. Thuốc phiện tác dụng yếu: codeine (Dafalgan codeine), dextropropoxyphen (Diantalvic).
- IIb. Thuốc phiện tác dụng trung bình: temgésic, nubaine, topalgic, contramal.
- IIIa. Thuốc phiện tác dụng mạnh: morphine, fentanyl.
- IIIb. Thuốc phiện mạnh dạng tiêm: morphine.
7. Nên động viên tinh thần và cho bệnh nhân vận động sớm
- Thực hiện y lệnh nằm tại giường hoặc đi lại. Thường sau gây mê bệnh nhân phải được xoay trở mỗi 30 phút cho đến khi tự cử động được.
- Khuyên bệnh nhân nên tập thở sâu, tập ho, tập cử động hai chân, hai tay sớm để tránh các biến chứng.
- Động viên tinh thần cho bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân cảm giác an tâm. Tránh cho bệnh nhân những lo sợ không đáng có, để người bệnh có tinh thần tốt nhất vượt qua bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật
- Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật thì việc có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý là một điều cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi, sự lành vết thương và sức khỏe của người bệnh. Cần tránh những thức ăn không tốt gây táo bón cũng như ăn nhiều thức ăn có lợi, chứa nhiều chất xơ, vitamin và protein cần thiết cho sự lành vết thương mau chóng và bồi bổ sức khỏe, tăng đề kháng cho cơ thể tốt hơn.
- Với những bệnh nhân quá biếng ăn, có một số cách tiếp thêm năng lượng cho cơ thể mặc dù chúng không nằm trong một kế hoạch dinh dưỡng lý tưởng. Khi bệnh nhân qua giai đoạn này, hãy thiết lập lại chế độ ăn tốt nhất. Lưu ý không nên áp dụng với những bệnh nhân đã nạp đủ năng lượng cho cơ thể.
- Lưu ý đa phần các bệnh nhân sau phẫu thuật có thể biếng ăn vì ăn không ngon miệng. Nếu sự biếng ăn trầm trọng, bệnh nhân sẽ không đủ năng lượng và dinh dưỡng để vết thương lành miệng. Vì vậy nên khuyên nhủ, và bổ sung các loại thức ăn có lợi cho bệnh nhân nhất có thể.
Chia sẻ của người bệnh đã từng trải qua ca đại phẫu và mất máu nhiều
Đây là chia sẻ được đăng tải trên trang cá nhân của một bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật và đã bình phục rất tốt có thể giúp mọi người học hỏi thêm những kinh nghiệm thiết thực trong quá trình chăm sóc người bệnh: