Giữa thị trường bát nháo, lợi dụng nhu cầu làm đẹp nhanh và sự tò mò về những trào lưu mới lạ mà chưa trang bị kiến thức hay tìm hiểu kỹ càng của các chị em phụ nữ, nhiều cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện, spa đã tiến hành những phương pháp làm đẹp tiềm tàng hiểm nguy như “cấy” phấn vào da, tiêm trắng da, “lột” da, thậm chí đến công nghệ lăn kim vốn được chỉ định chỉ nên được thực hiện bởi bs có chuyên khoa cũng trở nên đại trà do cách nghĩ ‘chỉ cần mua kim lăn và lọ tế bào gốc về là tự lăn được’.
1. Cấy phấn – CC Cover: Nguy cơ hoại tử do đưa chất lạ vào da
Trào lưu cấy phấn thường được gọi tên khác là CC cover giúp cho làn da trở nên trắng đẹp chỉ sau 1 liệu trình từ 40-60 phút thực hiện. Trào lưu “cấy phấn’ được quảng bá là có ngay làn da trắng, mịn, đều màu, không cần dùng kem nền và không phải tẩy trang hàng ngày. Cấy phấn được coi là cứu cánh dành cho các chị em cần làm đẹp gấp, đẹp nhanh mà không tốn kém!
Để thông tin về dịch vụ này, thông thường các trung tâm làm đẹp sẽ sử dụng một dung dịch thường được gọi là serum làm trắng và sử dụng 1 loại đầu máy để tác động lên lớp biểu bì của da tạo nên sự thay đổi về màu sắc, che phủ khuyết điểm. Cách làm đẹp bắt tai này được quảng cáo làm đều màu da, che đi những vết thâm, nám, lỗ chân lông to, hiệu quả không khác gì trang điểm nhưng khách hàng sẽ cảm nhận một làn da đẹp tự nhiên, “thật mặt”. Với giá khoảng 1,5 triệu đồng và quy trình khoảng 3 lần, cách nhau một tháng kèm theo lời cam kết da bật tông dần, trắng sáng và căng mịn tự nhiên như được phủ phấn.
Nguy cơ: Điều nguy hiểm khi bạn sử dụng phương pháp này chính là việc bạn đã có 1 tác động lớn lên da và phấn hay các loại serum chỉ nên dùng ngoài da chứ không nên đưa bất kỳ chất kỳ lạ, chưa được kiểm chứng khoa học vào da vì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhẹ thì viêm da, nặng thì có thể tổn hại dẫn đến thoái hóa da, tăng hoặc giảm sắc tố… Không chỉ gây hại đến cấu trúc da, các chất nguy hại còn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng máu, suy gan, suy thận… Thực tế đã có nhiều ca mặt sưng phù, biến dạng do cấy chất lạ chưa được kiểm chứng vào da hoặc tổn thương da vĩnh viễn.
2. Lăn kim không đúng cách và không đúng tiêu chuẩn y tế: Khả năng nhiễm HIV/AIDS và tổn thương da vĩnh viễn
Về mặt khoa học, lăn kim là phương pháp sử dụng cơ chế tự làm lành của cơ thể để chữa lành các vết sẹo lõm do mụn hoặc sẹo rỗ hay làm trẻ hóa da, trị rối loạn sắc tố. Có 02 dạng lăn kim phổ biến: lăn kim tế bào gốc hoặc sử dụng huyết thanh giàu tiểu cầu để kích thích cơ chế làm lành của cơ thể.
Tùy theo tình trạng da cần cải thiện, bác sĩ sẽ chọn loại hình điều trị phù hợp và giải thích cơ chế cũng như kỹ thuật lăn để chữa lành các tổn thương trên da, khắc phục nhược điểm và hình thành lớp da mới. Để thực hiện đầy đủ một quy trình lăn kim đúng chuẩn y tế đòi hỏi chi phí không hề rẻ và cần thực hiện ít nhất 02 liệu trình hoặc hơn, tùy theo tình trạng của da.
Nhiều cơ sở làm đẹp đã sử dụng phương pháp này và kêu gọi khách làm với mức chi phí rẻ bất ngờ với lời hứa về một làn da đẹp bằng cách sử dụng 1 đầu kim lăn cho nhiều khách và các loại dung dịch tế bào gốc giá rẻ không rõ nguồn gốc. Nguy hiểm hơn, nhiều chị em đã tự mua kim lăn và dung dịch về tự thao tác mà không biết rõ về cơ chế hoạt động cũng như kỹ thuật lăn.
Các bệnh viện da liễu đã ghi nhận không ít trường hợp nhiễm trùng, dị ứng hoặc phát mụn rộp do nhiễm khuẩn Herpes hay thâm đen , tình trạng da nghiêm trọng hơn ban đầu do lăn kim không đúng cách hoặc tệ hơn nữa là nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu như HIV/AIDS . Nhiều cơ sở khám chữa để giảm giá thành dịch vụ nên dùng lại kim lăn sau khi tiệt trùng, trong khi khâu này không chắc sẽ đảm bảo vệ sinh và đáng lẽ phải dùng riêng một kim lăn với mỗi bệnh nhân. Ngoài 2 thao tác lăn kim và bôi tế bào gốc, còn có những bước bắt buộc như vô trùng và ủ tê theo quy trình chuẩn y tế, nhằm hạn chế cảm giác đau cũng như tránh da tiếp xúc với vi khuẩn khi đang có vết thương hở. Thao tác lăn kim cũng không đơn giản là di thanh lăn đều lên da mà còn phải lăn theo đúng chiều. Bên cạnh đó, tế bào gốc không đủ chất lượng, xuất xứ Trung Quốc hoặc nguồn gốc không đảm bảo thường có đầu kim không đủ nhỏ và sắc nên dễ làm rách các mô liên kết, thủng mạch, hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da gây hiện tượng sạm đen sau khi lăn.
3. Làm trắng da cấp tốc: Nguy cơ ung thư da và hoại tử da tiềm ẩn
Làm trắng da luôn là nhu cầu làm đẹp hàng đầu của hầu hết phụ nữ Việt Nam. Gây sốt một thời là kem trộn và hiện tại là ủ trắng, tiêm trắng với mức giá không hề rẻ: từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để có một nước da sáng màu.
Dù việc sử dụng kem trộn đã được cảnh báo trên diện rộng vì chứa chất corticoid gây teo da, giãn mạch, mẩn đỏ và mụn sưng tấy nghiêm trọng sau khi ngưng dùng kem nhưng với những lời quảng cáo ngon ngọt cùng nhiều cách che mắt khách hàng của các cơ sở làm đẹp, nhà cung cấp như: làm đẹp từ thảo dược, sử dụng các loại dược phẩm y tế nên cũng có nhiều chị em phụ nữ vẫn sử dụng.
Tuy đắt đỏ nhưng tiêm trắng cũng không khá hơn, vối tổng liệu trình khoảng 45 – 130 triệu cho 5 – 12 lần tiêm cách nhau từ 3-7 ngày và tiêm duy trì mỗi tháng tùy thực hiện trong nước hay Thái Lan, Hàn Quốc. Phương pháp này cũng tốn kém và có sự phụ thuộc nhất định nhưng nhiều chị em vẫn “xin làm chuột bạch” dù có phải sang tận nước ngoài để thực hiện. Cũng có không ít những bạn gái mua thuốc về tự tiêm (thường chứa chất làm trắng glutathione, vitamin C, collagen…) để tiết kiệm chi phí nhưng việc này còn nguy hiểm hơn, khi việc tiêm vitamin C nhất thiết phải qua nhiều khâu xét nghiệm và chỉ được bệnh viện chỉ định cho những bệnh nhân thiếu hụt chất này trầm trọng chứ không nên tiêm bừa bãi. Tổ chức WHO và Bộ y tế Việt Nam từng khuyến cáo việc tiêm vitamin C có thể làm giảm độ khỏe của hồng cầu, nếu bệnh nhân phản ứng với thuốc, nhẹ thì gây phát ban, nổi mẩn, nặng thì sốc phản vệ, nhiễm độc. Còn glutathione cũng được FDA cảnh báo nếu lạm dụng cũng có thể gây nhiễm độc máu, suy thận hay hoại tử biểu bì da.
Tắm trắng cũng cùng cơ chế chỉ lấy đi tế bào da chết trên bề mặt chứ không thay đổi được lượng melanin trong tế bào. Lột da cũng chính là lột đi lớp biểu bì bảo vệ da, lớp da non mỏng manh bên dưới còn dễ sạm đen và tổn thương hơn khi tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng hay các tác nhân gây hại từ môi trường khác. Da càng tối màu chứng tỏ càng chứa nhiều hắc sắc tố melanin, nhưng đồng thời melanin cũng chính là lá chắn bảo vệ cơ thể trước tia UV. Các biện pháp ức chế melanin nhằm làm trắng da chỉ góp phần phá hủy làn da, làm mất khả năng tự bảo vệ của cơ thể.
Theo Viện Nghiên cứu phòng bệnh Quốc tế Pháp và Học viện Nghiên cứu Ung thư Ý, những người đã tắm trắng có khả năng ung thư da cao hơn người bình thường. Có khoảng 3.400 người tại châu Âu hàng năm được chẩn đoán có khối u ác tính trên da có tiền sử do tắm trắng.
Làm đẹp là nhu cầu không của riêng ai nhưng thiết nghĩ, các chị em cần định hình rõ quan niệm riêng của mình về cái đẹp để không bị tác động bởi trào lưu từ truyền thông hay quy chuẩn xã hội, đồng thời trang bị cho mình thật nhiều kiến thức về ưu nhược điểm của từng phương pháp để từ đó cân nhắc, lựa chọn, cũng như gởi gắm vẻ đẹp cho những cơ sở uy tín, chất lượng đảm bảo an toàn. Và trước khi đưa bất kỳ chất hay một liệu trình lạ vào cơ thể, bạn hãy gặp bác sĩ da liễu trước tiên!